PHÒNG KHẢO THÍ – ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG – THANH TRA
1. Chức năng
Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng – Thanh tra (sau đây gọi tắt là Phòng Khảo thí) là đơn vị chức năng có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Hiệu trưởng về công tác khảo thí, quản lý về đảm bảo chất lượng, phát triển giáo dục y học, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục. Điều phối và tổ chức công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng; công tác thanh tra, xử lý các vụ việc liên quan đến lĩnh vực đào tạo và quản lý đào tạo đúng với các quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Về tổ chức:
Phòng Khảo thí có trưởng phòng và 1-2 phó trưởng phòng, số lượng Phó trưởng phòng do Hiệu trưởng quy định căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp giai đoạn phát triển của đơn vị.
Trưởng phòng là đầu mối để Hiệu trưởng nắm chắc tình hình và quản lý công tác tổ chức các kỳ thi (ra đề, tổ chức thi, chấm thi, xếp loại học tập) và chất lượng giảng dạy, học tập của Nhà trường. Trưởng phòng là Uỷ viên Hội đồng phân loại tốt nghiệp và tham gia một số các Ban chỉ đạo, Hội đồng khác do Hiệu trưởng chỉ định. Trong trường hợp Trưởng phòng đi vắng phải uỷ quyền cho 01 Phó trưởng phòng thay mặt để giải quyết công việc của đơn vị.
Trưởng phòng (hoặc Phó trưởng phòng được uỷ quyền) được thừa lệnh Hiệu trưởng ký và đóng dấu của Trường những văn bản, giấy tờ trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao.
Phó trưởng phòng là người giúp Trưởng phòng điều hành công tác chung của Phòng và trực tiếp phụ trách những mảng công tác do Trưởng phòng phân công.
Viên chức, nhân viên của Phòng thuộc biên chế của Trường; chức trách và nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân do Trưởng phòng phân công (có bảng mô tả công việc của từng vị trí); Viên chức, nhân viên trong Phòng có thể được bố trí chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác khác của Phòng hoặc của Trường.
3. Nhiệm vụ: Phòng Khảo thí có các nhiệm vụ cụ thể như sau:
3.1. Nhiệm vụ khảo thí:
– Tham mưu cho Hiệu trưởng trong tổ chức các kỳ thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp theo quy chế và quy định của Bộ LĐTB-XH; trong tổ chức ra đề thi và hình thức thi các môn học.
– Chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp với các Khoa, Bộ môn tổ chức các kỳ thi; kiểm tra, giám sát từ khâu ra đề, nhân đề, chấm thi, lưu trữ, phân tích, xử lý kết quả thi.
– Phối hợp với các Khoa, Bộ môn xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi cho từng môn học, cải tiến và phát triển các phương pháp thi phù hợp với yêu cầu đào tạo của các ngành, các hệ bậc đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả đánh giá cũng như chất lượng đào tạo.
– Tổ chức các khoá tập huấn về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cho các Khoa, Bộ môn.
– Tham gia tư vấn nghiệp vụ về quy trình, phương pháp đảm bảo chất lượng đào tạo, thi, kiểm tra, đánh giá cho các đơn vị.
– Nghiên cứu ứng dụng các trang thiết bị, công nghệ thông tin vào việc soạn thảo đề thi, chấm thi và đánh giá kết quả thi.
– Thẩm định tính chính xác của việc chấm bài thi, tổ chức thẩm định ngẫu nhiên kết quả chấm bài các môn học của giảng viên.
3.2. Nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng:
– Xây dựng các văn bản quản lý công tác đảm bảo chất lượng (ĐBCL) và kiểm định chất lượng (KĐCL) trong Trường.
– Tổ chức triển khai công tác KĐCL trong toàn Trường và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác KĐCL tại các đơn vị trực thuộc Trường.
– Triển khai các giải pháp toàn diện để đảm bảo chất lượng đào tạo; nghiên cứu phát triển chương trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo.
– Xây dựng hệ thống công cụ đánh giá chương trình đào tạo, đánh giá việc giảng dạy của giảng viên, học tập của sinh viên và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
– Tổ chức đánh giá trong và tham gia đánh giá ngoài các tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng theo yêu cầu của Bộ LĐTB-XH.
– Phối hợp với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động đảm bảo chất lượng thuộc chức năng, nhiệm vụ của Phòng.
– Tổ chức các khoá tập huấn cho cán bộ và giảng viên về hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo.
3.3. Công tác thanh tra
– Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục.
– Thanh tra việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quy chế đào tạo, quy chế thi cử, cấp văn bằng, chứng chỉ; việc thực hiện các quy định về giáo trình, bài giảng; việc quản lý tài chính, tài sản, khoa học công nghệ, công tác tổ chức cán bộ và điều kiện cần thiết khác đảm bảo chất lượng giáo dục.
– Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực giáo dục trong Nhà trường theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng.
– Báo cáo, tổng kết về công tác thanh tra; kiến nghị các biện pháp đảm bảo thi hành pháp luật về giáo dục; đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về pháp luật giáo dục.
3.4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.
PHÒNG KT-ĐBCL-TT TRƯỞNG PHÒNG
Lương Tất Thắng |